Vai mang ba lô,ôgáichờđợiquagiờsánggiữatrungtâmTPHCMđểdạychữchocậubébibomart cô gái trẻ Phương Vy còn lỉnh kỉnh xách túi đựng bút màu, vở tập viết… để tặng cho 2 cậu "học trò" xa lạ.
Giữa tiếng nhạc lớn, tiếng trò chuyện ồn ào của hàng chục bạn trẻ làm "cú đêm" trong quán, Vy lặng lẽ lấy laptop ra tranh thủ làm việc, đợi chờ 2 cậu học trò xa lạ không biết lúc nào mới đến.
Lớp học có 1 không 2
Học trò của Phương Vy là 2 cậu bé bán hàng rong ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1. Hơn 1 tháng trước, khi đến quán cà phê xuyên đêm này ngồi "cày deadline", Vy mệt quá nên ngủ gục trên bàn. Xung quanh cô gái có laptop, máy ảnh và cả điện thoại, cậu bé bán kẹo rong P.T (10 tuổi) lại gần gọi cô dậy.
"Em sợ chị ngủ quên bị mất đồ nên em gọi dậy", cậu bé phân trần. Rồi em tặng Vy một cây kẹo mút. Vy lấy tiền ra đưa cậu bé, lập tức lại được em tặng thêm một cây kẹo nữa.
Xúc động trước hành động dễ thương của P.T, Vy níu tay em lại trò chuyện. Đoạn hội thoại không dài, nhưng đủ để Vy biết hiện tại em không đi học. Mỗi chiều, sẽ có người thân chở em từ nhà ở Q.5 cùng với hơn 50 cây kẹo mút đến Q.1. P.T mặc bộ đồ hóa trang con gấu để mưu sinh đến tầm khoảng 2 giờ sáng.
"Em kể trước đây có đi học, nhưng vì bán về khuya hay ngủ gục nên giờ không đến trường nữa. Nay đã 10 tuổi nhưng em không thuộc bảng chữ cái", Vy nói.
Thương cậu bé, Vy hứa sẽ đến quán cà phê dạy chữ cho em. Không hẹn ngày giờ, không hỏi số điện thoại hay địa chỉ liên hệ, Vy chỉ dặn: "Hôm nào đi bán ngang đây mà thấy chị thì em cứ vào. Chị sẽ dạy em biết viết tên mình".
Vậy là cô gái quê Tây Ninh đang là sinh viên năm 3 ngành thiết kế mỹ thuật số trở thành "cô giáo" của lớp học lúc nửa đêm.
Phương Vy thì khá bận rộn với việc học, việc làm thêm và sức khỏe không tốt nên bẵng đi mấy hôm sau mới quay lại. Kể từ buổi học thứ 2, Vy chọn mặc áo dài để trông ra dáng cô giáo hơn. Bất ngờ là P.T đã đến tìm Vy. Hôm đó, em còn giới thiệu thêm một "đồng nghiệp" của mình đến học chữ.
"Mình gặng hỏi thì được biết, 'đồng nghiệp' của P.T không ai khác là cậu ruột của em, tên V.T (12 tuổi). V.T nhanh nhẹn, học thuộc bài nhanh hơn P.T, hiện tại cũng không được đến trường", Vy kể.
Đi bộ hàng giờ trong bộ đồ hóa trang gấu bông nặng trịch, dày cộm, dù mồ hôi túa ra nhễ nhại nhưng P.T vẫn ráng ngồi học chữ. Vy mang theo giấy bút, dạy các em đọc và viết "a,b,c". Buổi học diễn ra chưa đến 30 phút thì 2 em chào cô giáo để đi bán cho hết số kẹo còn ế.
Cứ đều đặn mỗi tuần 2 lần, Vy đến quán cà phê ngồi đợi các em. Niềm hạnh phúc của cô gái là biết 2 cậu bé vẫn luôn tìm mình, ghé vào trả bài cũ, học viết thêm chữ mới trong vội vàng rồi tiếp tục đi bán.
Một nhân viên của quán cà phê chia sẻ: "Ban đầu 'cô giáo' hay dạy học ở trên lầu. Sau này vì sợ ảnh hưởng đến khách hàng khi cho trẻ em bán hàng rong vào quán nên 'lớp học' dời xuống khoảng sân trước quán, sát vỉa hè".
Không ai có thể lấy đi con chữ của các em
Đêm cuối tuần ngày 4.11, cô giáo Vy rủ thêm 2 người bạn của mình đến phụ dạy những đứa trẻ học. Sau hơn 30 phút thấp thỏm, sợ học trò không đến, 2 cậu bé đã xuất hiện. Đứa nào cũng rất lễ phép, chạy vào quầy pha chế xin nước lọc ra mời các thầy cô.
Đã gần 1 giờ sáng, P.T buồn ngủ ngáp ngắn ngáp dài, trong bộ đồ hóa trang, em nhếch từng bước nặng nề đi mời khách mua kẹo. Cứ đi bán được vài vòng thì quay lại chỗ cô giáo để trò chuyện.
"Em cũng muốn ngồi học, nhưng em còn nhiều kẹo chưa bán hết", P.T nói. Còn cậu bé V.T thì trông có vẻ tỉnh táo hơn, miệng lúc nào cũng cười tươi, còn tay thì ôm chặt món quà cô giáo Vy vừa tặng vào lòng.
Lã Minh Anh (21 tuổi ở Q.4) cũng đang là sinh viên năm 3 tình cờ chứng kiến cảnh Phương Vy dạy P.T học trong 1 đêm đến quán hồi tháng trước. Xúc động trước việc làm của Vy, Minh Anh đã kết bạn để có thể đến cùng Vy dạy học.
"Có lẽ đây là lớp học duy nhất mà học trò được phép đến trễ vì Vy thường phải đợi cả tiếng mới dạy được. Các em còn quá nhỏ để bán mạng mưu sinh lúc nửa đêm như thế này. Nhưng mình không phán xét người thân của các em mà chỉ cảm thấy rất thương", Minh Anh nói.
Một lần Vy tặng cho P.T chiếc túi đựng tập vở, nhưng hôm sau đến lại không mang theo, trời mưa nên tập vở ướt hết. Hỏi ra mới biết là chiếc túi ấy đã được người trong nhà dùng vào việc khác.
Tuy nhiên, Vy cũng không rõ 2 đứa trẻ hiện đang ở với gia đình hay ở với ai, có ở cùng gia đình hay đang bị nhóm nào đó "chăn dắt trẻ em". Cô gái không cố tìm hiểu vì Vy cũng sợ nếu mình tò mò đi theo 2 em, việc học có thể phải dừng lại. Trong khả năng của bản thân, cô giáo chỉ muốn dạy cho các em biết chữ, biết viết tên mình.
Hiện tại Vy có một công việc làm thêm. Cô gái hi vọng bản thân có thể làm tốt, kiếm thêm khoản tiền nhỏ để tặng các em dụng cụ học tập. Sắp tới, tùy theo sức khỏe và công việc, Vy vẫn cố gắng ra quán cà phê dạy các em tuần 2 buổi.
"Lúc nhỏ, khi mới biết đánh vần, đọc chữ, mình nhớ đã rất vui khi tự viết được tên mình. Ra đường, mình cũng hay đọc tên các bảng hiệu, cảm giác thật sự rất sung sướng. Tiền bán kẹo, sức lao động, tuổi thơ… của các em cha mẹ có thể lấy đi, nhưng con chữ thì không?", Vy chia sẻ, rồi dõi theo bóng 2 đứa trẻ ôm tập vở chạy ùa vào bóng tối cuối đường, lúc hơn 2 giờ.